Phát triển di sản bền vững phải dựa trên bảo tồn, bảo vệ và gắn kết với cộng đồng. Trong đó, đưa di sản tiếp cận thế hệ trẻ đang là những hoạt động được đặc biệt chú ý, nhằm lan tỏa các giá trị hàm chứa trong đó đến thế hệ tương lai.
Kết nối với giới trẻ
Học sinh tham quan học tập tại điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi
Giáo dục di sản hướng tới giới trẻ gần đây được coi trọng, nhằm thực hiện tinh thần “di sản trong tay và trong tim thế hệ trẻ”. Từ khi được đưa vào hoạt động, điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi đã đón hơn 22.000 lượt khách. Trong đó, Thành cổ Quảng Ngãi chú trọng tổ chức các chương trình tham quan, học tập cho các em học sinh đến từ các đơn vị trường học, trung tâm giáo dục – đào tạo trong và ngoài tỉnh. Tại đây, các em được học mà chơi, chơi mà học, chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tham quan, tương tác, trải nghiệm… Qua đó, ươm mầm tình yêu di sản cho các em một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Nếu di sản văn hóa là kiệt tác nghệ thuật được tiền nhân để lại, thì di sản thiên nhiên là tài sản vô giá mà tạo hóa ban tặng cho con người. Cả hai loại tài sản này đều cần được bảo vệ và chuyển giao cho các thế hệ sau tiếp tục phát huy. Sau mỗi buổi tham quan học tập, mỗi học sinh đều trở thành sứ giả, cùng nhau giới thiệu về văn hoá di sản của Quảng Ngãi đến với bạn bè, gia đình và cộng đồng.
Đổi mới cách tiếp cận
Di sản là nguồn tài nguyên tri thức phong phú, vô tận để học tập suốt đời. Chính vì lẽ đó, giáo dục di sản trong trường học là giải pháp thiết thực mà UNESCO khuyến khích các quốc gia thành viên áp dụng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, một số chương trình giáo dục di sản ở địa phương còn có nội dung đơn điệu, phương pháp giảng dạy, tiếp cận giới trẻ chưa phù hợp nên khó khuyến khích sự khám phá, tìm hiểu của học sinh. Bên cạnh đó, có nơi, mô hình này chưa được ngành giáo dục ghi nhận và sử dụng như một chương trình có tính bền vững; kinh phí duy trì chương trình cũng là vấn đề đặt ra…
Nhiều quốc gia phát triển rất quan tâm đến giáo dục ở bảo tàng và di tích. Học sinh đến bảo tàng, di tích để học, tăng thêm kiến thức và kỹ năng gắn liền với mỗi bộ sưu tập hiện vật, mỗi cuộc trưng bày chuyên đề. Bên cạnh không gian trưng bày hiện vật, triển lãm, không gian ngoài trời của bảo tàng được tận dụng để tổ chức các hoạt động thực hành nghệ thuật, học tập về lịch sử, văn hóa. Các em còn tham quan các điểm du lịch khám phá di sản văn hoá của địa phương, và trải nghiệm nghề truyền thống cùng với cộng đồng. Cách tiếp cận này giúp học sinh có nhiều kỹ năng trong tương tác và kích thích sự tìm tòi, học hỏi của bản thân.
Học sinh tiếp cận với các giờ học ngoại khóa tìm hiểu về di sản văn hóa
Các bảo tàng, di tích, điểm du lịch văn hoá, khu di sản thế giới cần chủ động xây dựng chương trình học tập, giáo dục phù hợp với lứa tuổi và cấp học, bám sát chương trình học tập và các môn học của các em ở trên lớp, xây dựng các bộ tài liệu hướng dẫn giáo viên và học sinh tìm hiểu di sản, phục vụ mục đích giảng dạy và học tập.
Bên cạnh đó, cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục di sản với yêu cầu phù hợp, hấp dẫn, hoạt động trải nghiệm, tương tác, khơi gợi sự sáng tạo và ham hiểu biết của học sinh, xây dựng quan điểm tiếp cận mới để học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu. Mặt khác, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa ngành giáo dục và ngành văn hóa, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
Làm tốt công tác giáo dục sẽ góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là của thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Theo ThS Hoàng Diệu Thúy, chuyên gia về di sản văn hóa, Văn phòng UNESCO Hà Nội: Giới trẻ, chủ nhân của những thay đổi bền vững, phải được học từ rất sớm về sự quan trọng của di sản trong việc định hình xã hội, và làm thế nào để phản ánh những hiểu biết của họ tới sự phát triển bền vững của xã hội. Giáo dục di sản không đơn thuần là giáo dục về các di tích, di chỉ, di sản. Đó còn là định hướng khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc xây dựng các kỹ năng phản ánh, phản biện, nhằm tạo ra liên kết giữa di sản và cuộc sống hôm nay.
Tiên Hồ