KHÔNG GIAN VĂN HÓA MIỀN NÚI NGOÀI TRỜI TẠI THÀNH CỔ QUẢNG NGÃI
Quảng Ngãi có đồng bào Ca Dong, Cor, Hrê sinh sống tại 5 huyện miền núi. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng. Để bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không bị mai một, các cấp, ngành, địa phương cùng người dân đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi có nhiều phân khu trưng bày giới thiệu nhiều chủ đề khác nhau nhằm giới thiệu các giá trị sản của Quảng Ngãi đến với công chúng. Trong đó, có một khu vực kết nối giữa các phân khu được tái hiện không gian văn hóa miền núi Quảng Ngãi.
Chẳng cần đi ngược miền xuôi, lên tận rừng núi bạt ngà, du khách vẫn sẽ được chiêm ngưỡng mô hình tái hiện không gian sống, nhà sàn của dân tộc Cor, Hrê và Cadong. Các mặt cắt của ngôi nhà sàn thể hiện những đặc trưng riêng của mỗi dân tộc và phong tục tập quán khác nhau.
Hình 1: Một mô hình nhà sàn của người đồng bào Hrê
Trong không gian này du khách sẽ được trải nghiệm mặc những bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi, giao lưu cùng với người dân bản địa. Đắm say trong tiếng nhạc cụ như chiêng, chinh kala, kèn lá… và hòa cùng những làn điệu dân ca, điệu múa của những người nghệ nhân. Hơn nữa, còn thưởng thức nghệ thuật trình diễn đấu chiêng của đồng bào Cor ở Trà Bồng hay Lễ hội lúa mới của người Ca Dong vùng Sơn Tây.
Hình 2: Biểu diễu những điệu múa đặc trưng của các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi
Hình 3: Một số các loại nhạc cụ đặc trưng của người đồng bào Hrê
Không chỉ là sản phẩm của sự khéo léo, thổ cẩm của làng Teng còn chứa đựng những niềm tin, mỹ quan và cả lịch sử phong phú của người Hrê. Hoa văn trên thổ cẩm làng Teng phản ánh sự ảnh hưởng và giao thoa lẫn nhau của các nền văn hóa: Những khối hình kỷ hà như họa tiết thổ cẩm Tây Nguyên, họa tiết răng lược quen thuộc trên trống đồng Đông Sơn và cả những sóng nước đặc trưng của đồ gốm Chămpa, đều xuất hiện tại thổ cẩm của làng Teng. Du khách được các nghệ nhân tận tay hướng dẫn cách se chỉ và dệt nên những đường hoa văn tinh xảo ấy.
Hình 4: Nghệ nhân Y Hòa đang dệt thổ cẩm tại Thành Cổ Quảng Ngãi
Đây cũng là không gian tổ chức hoạt động ẩm thực miền núi với các món ăn được chế biến từ nguyên liệu tại các địa phương dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân. Vừa thưởng thức ẩm thực miền núi và thử qua chút rượu cần sẽ làm nức lòng du khách tứ phương.
Hình 5: Ốc đá, rau rừng, cá sông – những món ăn từ hương vị của núi rừng
Ngoài ra, các sự kiện về văn hóa miền núi cũng được tổ chức thường xuyên tại điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi. Với các đặc sản, hoạt động biểu diễn, lễ hội của các dân tộc sẽ là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Thành Cổ Quảng Ngãi tự hào là nơi lưu giữ, tái hiện không gian và kết nối cộng đồng địa phương phát huy giá trị di sản văn Quảng Ngãi đến du khách trong nước và quốc tế.