Bắt đầu từ cuối thế kỷ 14, gốm ngoại thương của Việt Nam cực kỳ phát triển với nhiều loại hình đa dạng. Trong đó, dòng gốm Chu Đậu được đánh giá là đỉnh cao của gốm sứ Việt Nam từ chất liệu men đến họa tiết tinh xảo. Đến thế kỷ 17. những trận chiến giữa các triều đại phong kiến Việt Nam đã vùi chôn nền kỹ thuật và mỹ thuật ấy mãi đến sau này.
Tinh hoa gốm cổ bị chôn vùi hàng trăm năm
Ở các Bảo tàng nổi tiếng trên thế giới, nhiều loại hình gốm sứ hoa lam cổ với đường nét nghệ thuật, hoa văn độc đáo khiến ai cũng phải đặt câu hỏi “Phải chăng đây là gốm sứ Trung Hoa?”. Thế nhưng, khi mọi thứ chưa rõ ràng sẽ khiến mọi người tò mò và muốn tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của nó.
Gốm Chu Đậu được tìm thấy như một cơ duyên. Vào năm 1980, một bức thư của ông Makoto Anabuki, cán bộ ngoại giao Nhật Bản (từng làm Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam) gửi nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Ngô Duy Đông thông tin về một chiếc bình gốm cổ được trưng bày tại Bảo tàng Tokapi. Trên bình có 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu tượng nhân Bùi Thị Hý bút”, tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (1450 năm Thái Hòa thứ tám, đời vua Lê Nhân Tông), thợ gốm Bùi Thị Hý vẽ” (hiện có nhiều cách hiểu khác nhau về các chữ Hán trên bình và thứ tự sắp xếp các chữ). Từ bức thư này, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khám phá dòng gốm cổ Chu Đậu của Việt Nam từng phát triển hưng thịnh từ thế kỷ 15 và 16.
Bình gốm cổ Chu Đậu – Bảo vật quốc gia Việt Nam
Từ đầu thế kỷ 17, nghề làm đồ gốm ở đây tự nhiên mất tích, không còn lò gốm, không còn người làm đồ gốm. Dấu vết chìm sâu dưới lòng đất, biến hẳn trong ký ức dân làng. Người dân bây giờ chỉ còn biết làm ruộng và dệt chiếu, họ không biết làm đồ gốm nữa và cũng không ngờ rằng ông cha họ đã từng làm những món đồ gốm tinh xảo, tuyệt mỹ.
Những khai quật trong năm 1986, 1987, 1989, 1991, 1992 và 1993, cho thấy đồ gốm Chu Ðậu được sản xuất ở rất nhiều nơi gần bờ sông trong tỉnh Hải Dương, tập trung nhiều nhất ở phủ Nam Sách. Ðồ gốm Chu Ðậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn đầy hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam. Ðồ gốm Chu Ðậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16 rồi tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, trong khi các lò gốm khác ở Hải Dương còn sản xuất những món đồ không men (nồi đất, chum, vại…) cho đến thế kỷ 18, hay cho mãi đến bây giờ như làng Cậy, làng Lâm Xuyên (chuyên làm nồi đất không men).
Con tàu đắm Cù Lao Chàm mở ra bí ẩn về giao thương gốm cổ
Đầu năm 1990, trong khi đánh bắt cá ở vùng biển Hội An ngư dân đã phát hiện một con tàu cổ chở đầy đồ gốm Việt Nam bị đắm ngoài khơi, cách đảo Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam khoảng 20km về phía đông. Con tàu sau đó được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng các đơn vị khai quật từ năm 1997 đến 1999. Tuy nhiên, con tàu nằm ở độ sâu 70m, trong vòng bị chi phối bởi những cơn bão nhiệt đới nên quá trình khai quật bị hạn chế. Đến năm 2003-2007, Công ty Đoàn Ánh Dương đã tiếp tục tiến hành khai quật đợt 2 với những trang thiết bị và thợ lặn chuyên nghiệp. Hiện vật trên tàu được xác định chủ yếu là gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) có niên đại thế kỷ 15.
Việc phát hiện đồ gốm trên tàu Cù Lao Chàm có ý nghĩa lớn cho việc nghiên cứu lịch sử gốm sứ Việt Nam. Con tàu là đại diện cho phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử khảo cổ học về gốm Việt Nam từ khi bắt đầu những cuộc khai quật lò gốm Chu Đậu (Hải Dương). Nghiên cứu về con tàu này đã góp một bằng chứng vô cùng sinh động vào việc nghiên cứu giao thương quốc tế trên vùng biển Việt Nam trong lịch sử. Minh chứng vào thế kỷ 15 – 16, Việt Nam đã tham gia một cách tích cực nhất vào con đường giao thương gốm sứ trên biển với mặt hàng chất lượng nhất mang tên gốm Chu Đậu.
Với khối lượng đồ sộ, bộ sưu tập gốm Việt Nam trên tàu cổ Cù Lao Chàm đã phản ánh rõ nét sự phát triển mạnh mẽ của các loại đồ gốm xuất khẩu với loại men, kiểu dáng, hoa văn phong phú, đặc sắc, đóng góp một phần tư liệu quan trọng, toàn diện và đầy đủ vào việc nhận thức lịch sử đồ gốm men thế kỷ 15.
Gốm Chu Đậu được trưng bày điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi
Hiện nay, tại điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi đang sở hữu bộ sưu tập hơn 60.000 hiện vật gốm sứ tàu đắm được tìm thấy trên vùng biển Việt Nam. Trong đó, gốm Chu Đậu trên tàu đắm Cù Lao Chàm được khai quật và giữ lại toàn bộ hiện vật để trưng bày và phát huy. Cách trưng bày giới thiệu tại đây thể hiện đầy đủ nét đẹp của Chu Đậu từ chất liệu đến kiểu dáng và mang những câu chuyện xung quanh quá trình giao thương cổ.
Nét đặc sắc – độc đáo hiếm có trong gốm cổ Chu Đậu
Chất men và hoa văn
Hoa văn gốm Chu Đậu trên tàu đắm Cù Lao Chàm
Men gốm Chu Ðậu rất phong phú: như men ngọc (celadon), men nâu, men trắng, men lục. Tuy nhiên tiêu biểu nhất là men trắng trong với hoa văn màu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba màu vàng, đỏ nâu và xanh lục (men tam thái).
Men trắng Chàm và men tam thái của gốm Chu Đậu nổi danh và được ưa chuộng hơn cả. Men trắng chàm (nền men trắng, hoa văn màu xanh biếc) chiếm số lượng cao nhất. Các hiện vật gốm khai quật trên tàu đắm Cù Lao Chàm cũng đa phần có chất men trắng chàm. Hoa văn trên gốm Chu Đậu chủ yếu mang hình ảnh thuần túy, phản ánh đời sống của người dân nông thôn Việt Nam. Mộc mạc và giản dị trong nét từ vẽ tàu lá chuối, nhánh rong hay chim sẻ, chim chích chòe, tôm, cá bống, cóc, rùa, cọng rau muống, bông hoa cúc, hoa sen. Hoa văn gốm Chu Đậu như một bức tranh miêu tả chân thực và thể hiện được hồn cốt của dân tộc Việt.
Loại hình và kiểu dáng
Loại hình của đồ gốm Chu Ðậu rất phong phú: Bát chân cao, bát chân thấp, tô, đĩa, chén, tước, bình, ấm, âu, bát hương, bát trầm, chân đèn, hộp, lọ, bình vôi, nghiên mực, có cả nghiên mực hình con trâu, rồi lại còn đồ chơi của trẻ em như các hình tượng con gà, con cóc, con lợn, người cưỡi ngựa… Có thể nói, từ các món đồ dùng trong nhà người dân, trong đình chùa, trong nhà giới trưởng giả, cho đến đồ gốm xuất khẩu cũng đầy đủ các loại hình.
Một số loại hình gốm Chu Đậu trên tàu đắm Cù Lao Chàm
Nhưng phải kể đến bình tỳ bà, loại hình này được tìm thấy trong nhiều lò gốm khai quật tại làng Chu Đậu và trên tàu đắm Cù Lao Chàm. Bình tỳ bà là loại hình được ưa chuộng và chủ yếu dùng để xuất khẩu qua các nước trên thế giới. Cùng với bình tỳ bà và bát Chu Ðậu, đĩa Chu Ðậu là những món đẹp và nổi tiếng, được rất nhiều viện bảo tàng và nhà sưu tập quốc tế ưa chuộng.
Đến nay, gốm Chu Đậu đã được hồi sinh với nhiều cơ sở sản xuất hiện đại hơn. Tuy nhiên, gốm Chu Đậu và quá trình giao thương cổ vẫn mang nhiều bí ẩn cần được giải mã. Việc tìm hiểu, nghiên cứu về gốm Chu Đậu giúp chúng ta hiểu hơn về kỹ thuật làm gốm và sự khéo léo của người dân Việt Nam từ xa xưa. Hơn nữa, con đường gốm sứ trên biển và vai trò của Việt Nam khi tham gia giao thương là một trong những minh chứng để khẳng định chủ quyền biển đảo của nước ta. Gốm Chu Đậu không chỉ là một dòng gốm sứ mà còn là minh chứng lịch sử cho một thời đại phát triển cực thịnh của nghệ thuật và mỹ nghệ của Việt Nam.
- Tư liệu tham khảo gốm Chu Đậu – Đỉnh cao gốm cổ Việt Nam từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.
Tiên Hồ