Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi – danh xưng tưởng chừng như phủ kín màu hoài niệm xưa cũ, nhưng câu chuyện của nó là hành trình bằng những bước đi mới mẻ, táo bạo, hướng tới tương lai phát triển bền vững cho kinh tế di sản…
Năm 1990, bà Võ Thị Hạnh Dung - người con quê hương Quảng Ngãi, là một trong hàng triệu người phụ nữ Việt bình thường khác phải hoà cùng dòng người tấp nập tại bến cảng An Thới – đảo Phú Quốc để sinh nhai bằng nghề mua bán nông – hải sản. Nhưng khởi đầu từ một mối nhân duyên, khá nhiều món đồ gốm sứ của những con tàu đắm tại vùng biển Phú Quốc đã đến tay bà như nhưng món hàng hóa khác. Nó đã đi theo những chiếc cần xé chất đầy hồ tiêu và mực về đất Sài thành. Vượt đường biển từ bến cảng An Thới về Rạch Giá (Kiên Giang) và đến thành phố Hồ Chí Minh, cổ vật song hành cùng những bước đi của bà chỉ là món hàng giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình trong bối cảnh kinh tế khó khăn lúc bấy giờ.
Và, câu chuyện đã bắt đầu như thế. Thời gian trôi theo những chuyến hàng chở nặng cơm áo gạo tiền, người phụ nữ ấy đã dần cảm nhận sự giao cảm đặc biệt với từng chiếc đĩa và những mảnh gốm sứ hàng trăm năm tuổi. Từ một người trao tay cổ vật cho thượng khách, bà đã trở thành nhà sưu tầm cổ vật lúc nào không hay. Đi theo những đợt luân chuyển công tác của chồng quay lại Quảng Ngãi và làm kinh tế ở khắp các vùng miền đất nước, đến năm 2003, mối nhân duyên với cổ vật lại đến. Con tàu đắm tại vùng biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được “trao tay” bà chỉ bởi vì đơn vị xin cấp phép khai quật – là một người bạn của bà đã bỏ cuộc trước khi bắt đầu thực hiện. Đây là con tàu cổ hơn 500 năm tuổi, nằm ở độ sâu 72 mét. Nó thực sự là một thách thức lớn đối với đơn vị khai quật. Do đó, người bạn của bà đã không lựa chọn mạo hiểm để lấy hiện vật từ đáy biển lên bờ. Nhưng có lẽ, tiếng vọng của biển khơi đã mách bảo bà phải làm điều đó. Cảm nhận được sứ mệnh của mình, bà đã quyết định thực hiện khai quật con tàu để có được “cuộc gặp gỡ” chính thức với kho cổ vật quý giá và bí ẩn này. Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương đã ra đời vào ngày 15/9/2003 để thực hiện sứ mệnh đặc biệt ấy. 36 thợ lặn đến từ huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã trải qua hơn 1.460 ngày làm việc căng thẳng, giành giật từng phút giây sống còn với biển cả hiểm nguy từ năm 2003 đến năm 2007. Công ty Đoàn Ánh Dương đã thu về hơn 16.000 hiện vật gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) có niên đại từ thế kỷ XV-XVI.
Trầm mình dưới độ sâu có thể dẫn đến chết người, nhưng con tàu Cù Lao Chàm đã không phụ lòng người, tất cả thợ lặn đều bình an, cuộc khai quật cũng đã kết thúc thành công ngoài mong đợi. Lúc bấy giờ, nguồn năng lượng bí ẩn của con tàu dường như đã thúc giục “truyền nhân” phải tiếp tục hành động. Lại bước tiếp những bước đi định mệnh, hành trình sưu tầm, thăm dò và khai quật cổ vật đắm dưới vùng biển Việt Nam kéo dài hơn 30 năm, Công ty đã thu về hơn 60.000 hiện vật của 9 con tàu đắm với những câu chuyện bí ẩn khác nhau, trong đó có cả con tàu cổ Bình Châu có niên đại vào TK XIII được khai quật năm 2013 tại vùng biển Bình Châu (Bình Sơn, Quảng Ngãi).
Theo lẽ thường, doanh nghiệp đầu tư khai thác cổ vật sẽ thực hiện một số thương vụ để chuyển giao chúng cho chủ nhân mới và vận mệnh của kho cổ vật ấy mãi mãi sẽ là ẩn số. Nhưng kho cổ vật tàu đắm này là minh chứng quan trọng cho vai trò của Việt Nam trên con đường gốm sứ trên biển. Quá trình nghiên cứu lâu dài đã khiến bà nhận ra sự thật rằng: văn hóa dân tộc, chủ quyền quốc gia trên con đường hàng hải Biển Đông có giá trị lớn hơn tiền. Hơn cả việc sở hữu hàng chục ngàn hiện vật trị giá triệu đô, niềm tự hào dân tộc lớn lao trong từng cổ vật mới là niềm hạnh phúc thôi thúc bà phải thực hiện đúng sứ mệnh của mình, đó là giữ gìn và tìm chốn trở về cho cổ vật tàu đắm. Kho cổ vật ấy cần một mô hình để phát huy giá trị thông qua cách làm văn minh hơn, mang tính giáo dục, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi người mà không phải bán nó đi như một món hàng hóa. Nơi chốn trở về của kho cổ vật không phải là trong tay thương nhân mà là nơi có thể gìn giữ, bảo quản và kể câu chuyện của lòng tự tôn dân tộc muôn đời. Nơi đó chính là Thành Cổ Quảng Ngãi.
Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi nằm trong khu vực sân vườn Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi – là trung tâm của di tích thành Cẩm Thành (1807). Đây cũng là phạm vi dự án “Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi”, được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp Quyết định Chủ trương đầu tư số 1431/QĐ-UBND ngày 08/8/2016, do Công ty CP Đầu tư Phát triển Đoàn Ánh Dương thực hiện. Với hình thức đầu tư xã hội hóa trong thời hạn 49 năm theo quy định, kho cổ vật đã được mang về đây bảo quản và phát huy cùng các giá trị di sản khác của Quảng Ngãi.
"Trà Giang, Thiên Ấn chuông gầm sóng
Vang tiếng ngàn năm đất Cẩm Thành"
-Bích Khê-
Thành cổ Quảng Ngãi, còn gọi là Cẩm thành hay thành Gấm, là một trong 29 thành được xây dựng thời nhà Nguyễn. Nếu xưa kia vua Gia Long (Nguyễn Ánh) chọn vùng đất này để xây dựng Cẩm thành làm trung tâm hành chính bên cạnh dòng Trà giang và núi Thiên Ấn hữu tình thì ngày nay, vị trí tuyệt vời ấy cũng được chọn làm trung tâm thành phố Quảng Ngãi. Tuy Thành cổ Quảng Ngãi đã bị tàn phá năm 1947 do chiến tranh, nhưng địa thế linh thiêng, giàu sinh khí và thuận tiện cho hoạt động du lịch khiến Thành cổ Quảng Ngãi là nơi phù hợp để trở thành điểm đến thu hút đông đảo công chúng và du khách tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa. Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi bao gồm 4 phân khu chính với những hoạt động tham quan, trải nghiệm văn hóa theo dòng chảy của thời gian và không gian. Thành Cổ Quảng Ngãi muốn du khách được trải nghiệm, khám phá di sản Quảng Ngãi một cách đa dạng, sống động, từ các hoạt động kiến tạo lớp vỏ trái đất, hoạt động vận động của núi lửa hình thành cảnh quan, môi trường, địa mạo đến văn hóa các dân tộc thiểu số; khám phá văn hóa biển đảo và con đường gốm sứ trên biển, đến 3 nền văn hóa Sa Huỳnh – Chăm Pa – Đại Việt…
Hiện vật gốm sứ và câu chuyện về vận mệnh những con tàu đắm là một phần minh chứng quan trọng cho sự tham gia của Việt Nam trên Con đường gốm sứ trên biển. Nó mang trên mình văn hóa dân tộc Đại Việt qua các triều đại khác nhau, thấm đẫm trong hồn cốt là giá trị văn hóa biển lâu đời. Do vậy, Công ty đã chọn Thành Cổ Quảng Ngãi là nơi phát huy các giá trị di sản và bắt đầu từ di sản văn hóa biển để viết tiếp câu chuyện thành Cẩm Thành xưa.
Điểm du lịch Thành Cổ Quảng Ngãi đặt cộng đồng làm chủ phát triển kinh tế di sản. Cộng đồng bản địa sẽ làm sống dậy không gian xung quanh bảo tàng bằng các hoạt động du lịch gắn liền với phát huy giá trị văn hóa truyền thống, qua đó, đánh thức nhu cầu hưởng thụ văn hóa của con người.
Hành trình hơn 30 năm đi trên con đường chông gai cùng với việc bảo tồn di sản, chúng tôi thấm đượm giá trị của nó. Văn hóa là nền tảng tinh thần, là sức mạnh trường tồn của mỗi dân tộc; giá trị đích thực của di sản văn hóa là phục vụ đời sống hạnh phúc của con người. Do vậy, con người – chủ thể hình thành nên sự đa dạng văn hóa ấy cần được tôn trọng. Để vực dậy một số sản phẩm văn hóa đang dần bị mai một, đánh thức các giá trị truyền thống đã ngủ quên, Thành Cổ Quảng Ngãi hướng đến là mô hình hội tụ tất cả cộng đồng cùng tham gia chủ trì tổ chức cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm văn hóa nhằm biến các hoạt động phát huy giá trị di sản trở thành một trong những hoạt động kinh tế thực sự – kinh tế di sản.
Giá trị cốt lõi của Thành Cổ Quảng Ngãi là giáo dục về tính hợp tác của cộng đồng trong xây dựng mô hình kinh tế di sản. Ngày nay mức sống càng cao, người dân càng có xu thế hưởng thụ vật chất càng nhiều, nhu cầu hưởng thụ tinh thần cũng như hưởng thụ văn hóa dần bị ngủ quên. Do đó, Thành Cổ Quảng Ngãi mong muốn các sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm văn hóa sẽ là cầu nối cho du khách được tương tác với cộng đồng bản địa ngay tại trung tâm thành phố, qua đó cảm nhận được niềm hạnh phúc của cộng đồng khi được góp sức vào công việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Thành Cổ Quảng Ngãi được chúng tôi kỳ vọng sẽ là điểm du lịch 5 sao, là mô hình nhân rộng cho hệ thống các bảo tàng trong cả nước và là địa chỉ quen thuộc của người dân Quảng Ngãi để từ đó đánh thức nhu cầu hưởng thụ văn hóa của mọi người.