Văn hóa dân tộc Quảng Ngãi từ bao đời nay luôn được các nghệ nhân gìn giữ. Văn hóa Hrê với những làn điệu Cahoi, Talêu da diết. Âm nhạc dân tộc Cor với tiếng đàn Kađác, kèn Amáp đậm chất núi rừng,…Tất cả đều được xem là kho báu bản sắc của đồng bào vùng cao. Tuy nhiên, kho báu ấy đang dần bị mai một trong đời sống đương đại. Để bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số không bị mai một, các cấp, ngành, địa phương cùng người dân đã và đang nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.
Những người nặng lòng với văn hóa dân tộc
Người Hre xã Ba Vinh - huyện Ba Tơ - tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: sưu tầm)
Trong chuyến đi về với các huyện miền núi để tìm hiểu về văn hóa dân tộc thiểu số Quảng Ngãi, chúng tôi đã đến với huyện Sơn Tây. Khi vừa đến đây, chúng tôi được cán bộ xã Sơn Long dẫn đến nhà của đôi vợ chồng trẻ anh Đinh Văn Siêng và chị Đinh Thị Hạ. Hai vợ chồng đều có đam mê sưu tầm các nhạc cụ và đồ dùng sinh hoạt của người Cadong. Vợ chồng anh đã bỏ công tìm tòi các đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ truyền thống của người Cadong. Những dụng cụ đặc trưng sản xuất nông nghiệp và các nhạc cụ của đồng bào Cadong được xếp ngay ngắn tại gian nhà của anh chị.
Anh Siêng còn nhờ các già làng vận động, thuyết phục bà con. Nhờ vậy, bà con ai cũng hiểu rõ giá trị và mục đích, ý nghĩa việc vợ chồng anh làm. Tuyệt vời hơn, bà con đã tìm đến nhà tặng anh nhiều hiện vật và nhạc cụ có giá trị. Mục đích, ý nghĩa chính việc làm của vợ chồng anh là để nhiều người biết đến dân tộc mình. Rằng trên đường Đông Trường Sơn có một tộc người Cadong giàu bản sắc văn hóa truyền thống. Họ là những nghệ sĩ của núi rừng miền Tây Quảng Ngãi, đánh giặc giỏi và đàn và hát rất hay.
Ngược xuống huyện Sơn Hà, chúng tôi lại đến thăm nhà ông Đinh Công Bôn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Trung ( Sơn Hà) – người nặng lòng với văn hóa dân tộc Hrê. Ngôi nhà ông Bôn hiện được xem như “bảo tàng” văn hóa Hrê thu nhỏ, với đa dạng các loại nhạc cụ quý hiếm. Ngoài ra, ông Bôn còn viết sách về các hoạt động văn hóa, lễ hội dân tộc mình. Ông Bôn tâm sự: Văn hóa truyền thống của cha ông để lại có nhiều cái hay và đáng quý. Tuy nhiên, thế hệ trẻ bây giờ ít người quan tâm. Mục đích của mình làm là để cho con cháu mai sau học hỏi, ghi nhớ và cốt là không để bị thất truyền.
Trong khi đó, anh Phạm Văn Sây, dân tộc Hrê ở xã Ba Thành (Ba Tơ), dành tình yêu rất lớn cho làn điệu dân ca, anh xem như là kho báu, là món ăn tinh thần không thể thiếu của dân tộc mình. Thế nên, những năm qua, anh Sây đã tích cực truyền dạy cho lớp trẻ để lưu giữ và bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Hrê.
Và còn nhiều nữa…
Dòng máu phóng khoáng, rắn rỏi vẫn đang chảy từng ngày trong tim những người con của núi rừng đại ngàn, thôi thúc ngọn lửa đam mê với văn hóa, nghệ thuật quê hương, xứ sở bùng cháy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Xẻ dọc núi rừng Trường Sơn chúng ta sẽ còn tìm thấy nhiều, rất nhiều những anh Siêng, chị Hạ, già Su vẫn đang “sống chết” từng ngày với những giá trị di sản văn hoá quý báu của dân tộc.
Phát huy văn hóa dân tộc thiểu số
Hiện nay, ở các huyện miền núi có nhiều mô hình sinh hoạt cộng đồng mang đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc đã và đang được phục dựng, như Khu bảo tồn văn hóa Cor tại huyện Trà Bồng; Khu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ); Trung tâm Bảo tồn văn hóa Hrê tại huyện Sơn Hà... Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế và du lịch cộng đồng.
Biểu diễn nghệ thuật các dân tộc thiểu số tại điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi
Nhằm phát huy hiệu quả Khu Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn Làng Teng, chính quyền xã Ba Thành đã phối hợp với đoàn thanh niên và cộng đồng người Hrê địa phương tổ chức sinh hoạt, truyền dạy kỹ năng dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê cho thanh niên. Đồng thời, quảng bá, khai thác, phát triển du lịch cộng đồng, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan. Huyện Ba Tơ đã tổ chức hàng chục lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, đánh chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc cho con em đồng bào. Qua việc truyền dạy của các nghệ nhân cao tuổi, nhiều nam, nữ thanh niên Hrê đã thuộc các làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình, biết đánh chiêng 3, chiêng 5 và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống.
Tại huyện miền núi Trà Bồng, thực hiện Đề án "Bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa dân tộc Cor", các giá trị và bản sắc văn hóa dân tộc Cor đã được phục hồi, giữ gìn, phát huy. Cộng đồng người Cor ở Trà Bồng hiện lưu giữ hơn 1.000 bộ cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống. Địa phương cũng đã phục dựng nhiều nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào Cor như lễ ăn trâu, lễ mừng lúa mới, lễ ngã rạ... Qua các lễ hội, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn, các làn điệu dân ca xà ru...
Đặc biệt hơn, sẽ có một chuỗi các sự kiện trình diễn các làn điệu văn hóa dân gian của các dân tộc trên địa bàn tỉnh bởi các nghệ nhân và người dân tại vùng miền. Hoạt động sẽ diễn ra tại điểm du lịchThành Cổ Quảng Ngãi trong thời gian sắp đến bao gồm những tiết mục biểu diễn văn nghệ, lễ hội,…Đây chính là cơ hội để các loại hình văn hóa dân gian, những giá trị di sản dân tộc đến gần hơn với du khách trong và ngoài nước, đồng thời hun đúc tinh thần trân quý, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cho thế hệ tương lai.
Bài viết có tham khảo:
- Bài báo "Quảng Ngãi: Nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống" đăng ngày 05/05/2020 trên báo Dân tộc và Phát triển.
Tiên Hồ