THÔNG TIN HIỆN VẬT TRƯNG BÀY TẠI
LAVA - KHÁM PHÁ DI SẢN ĐỊA CHẤT
Đá Ba-zan dạng bọt – Mã số: ĐB 15
Đá Ba-zan dạng bọt có niên đại khoảng từ 1 đến 1,1 triệu năm. Trong khối đá có các lỗ hổng hình tròn hoặc bầu dục. Dưới tác động của các yếu tố bên ngoài (chênh lệch nhiệt độ, lượng mưa,…) dẫn đến sự co giãn không đồng bộ của các lớp khối đá. Trong một thời gian dài, lớp ngoài của khối đá sẽ bị bong ra, tạo nên hiện tượng phong hóa bóc vỏ (dạng bóc vỏ củ hành tây).
Địa điểm thu nhận hiện vật: thôn An Bình, xã An Bình, huyện Lý Sơn.
Hình 1. Hiện vật đá Ba-zan dạng bọt
Đá Orthogneiss – Mã số: GPLS 1040
Gneiss là một loại đá biến chất cao cấp phổ biến và phân bố rộng rãi, được hình thành từ quá trình biến chất ở nhiệt độ và áp suất cao tác động lên các thành tạo gồm đá lửa (như đá granit) hoặc trầm tích. Orthogneiss là gneiss có nguồn gốc từ đá lửa, có cấu tạo sọc dài. Cấu tạo sọc này bao gồm các sọc màu đậm giàu biotit (khoáng chất phổ biến trong nhóm mica) xen kẽ với các sọc màu xám nâu.
Địa điểm thu nhận hiện vật: xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng.
Hình 2. Hiện vật đá Orthogneiss
Đá Amphibolit – Mã số: GPLS 1015
Amphibolit là một loại đá biến chất có thành phần chủ yếu là amphibol (một khoáng vật silicat tạo đá sẫm màu quan trọng). Amphibolit có màu tối và nặng, có cấu tạo phiến giập vỡ nứt nẻ mạnh, hạt nhỏ, loang lổ các mảng màu xanh nhạt và xanh lục. Các phiến mỏng màu đen và trắng trong đá thường có dạng muối tiêu. Đá Amphibolit được hình thành trong những điều kiện nhiệt độ và áp suất nhất định.
Địa điểm thu nhận hiện vật: xã Trà Lãnh, huyện Trà Bồng.
Hình 3. Hiện vật đá Amphibolit
Đá Ba-zan đặc – Mã số: ĐB 01
Đá Ba-zan đặc có niên đại khoảng 1,1 triệu năm. Loại đá này có cấu tạo đặc sít, dạng xỉ chứa bọt, hình thành trong môi trường nước biển. Khi chưa có tác động và bào mòn của thời tiết, đá Ba-zan thường có màu đen hoặc xám. Tại Việt Nam, đá Ba-zan đặc thường phân bố chủ yếu tại các tỉnh thành miền Trung.
Địa điểm thu nhận hiện vật: hồ Bán Nguyệt, xã An Bình, huyện Lý Sơn.
Hình 4. Hiện vật đá Ba-zan đặc
Đá trầm tích vụn sinh vật – Mã số: ĐL 03
Đá trầm tích vụn sinh vật có niên đại khoảng 4.500 năm. Đá có màu vàng xám nhạt, kết cấu bao gồm: cuội (một loại đá mảnh vụn được mài tròn do tác động của gió, dòng nước chảy, sóng biển), cuội tảng đá ba-zan, san hô,… Đá trầm tích vụn sinh vật được hình thành trong môi trường nước biển.
Địa điểm thu nhận hiện vật: phía bắc Hang Câu, xã An Hải, huyện Lý Sơn.
Hình 5. Hiện vật đá trầm tích vụn sinh vật