KHU NHÀ RƯỜNG CỔ VIỆT – KẾT NỐI TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN TẠI

 

KHU NHÀ RƯỜNG CỔ VIỆT – KẾT NỐI TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN TẠI 

Nhà rường cổ Việt là loại hình kiến trúc khá phổ biến ở nông thôn từ Quảng Bình vào đến Bình Định và nhà rường trở thành một bộ phận không thể thiếu được của văn hóa xứ Quảng. Khu nhà Rường cổ Việt thuộc điểm du lịch Thành cổ Quảng Ngãi nằm ở phía tây Bảo tàng Tổng hợp tỉnh. Đây là nơi tham quan học tập cho du khách tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt thông qua kiến trúc, ẩm thực đến các loại hình diễn xướng dân gian.

Không gian sống của người Việt qua tập hợp kiến trúc cổ


Hình 1: Gian nhà đầu tiên tại Khu nhà rường cổ Việt

Khu nhà rường cổ Việt tập hợp kiến trúc của 04 ngôi nhà cổ có niên đại từ 120 năm đến 290 năm. Các ngôi nhà được sưu tầm ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi là những “hiện vật” tiêu biểu cho kiến trúc cổ người Việt. Gian nhà bố trí dựng nối tiếp với nhau chạy dài theo trục nam – bắc, nhà quay mặt về hướng nam và kết nối bằng một trường lang bằng gỗ dài 40m.

Bước qua cổng Tam quan vào khu nhà rường cổ Việt, trước mắt du khách sẽ là lầu Lục Giác (hay còn gọi là lầu Vọng Nguyệt) - nơi được các quan lại hay gia chủ thường ngồi để ngắm trăng, thưởng trà và đối chữ cùng với quan khách. Dọc lối trường lang sẽ đưa du khách đến với gian nhà thứ nhất, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà là ông Nguyễn Duy Bính – một vị quan Tam phẩm tại Huế. Tiếp đến là thư phòng dùng để đọc sách với các họa tiết chạm khắc nổi bật như Phụng chầu mẫu đơn, tiên đồng ngọc nữ, Tứ quý: xuân - hạ - thu – đông…

Sau đó, đi tiếp đến gian nhà thứ 3 là không gian sống của một vị địa chủ được thiết kế với khá nhiều hệ thống cửa. Tổng số cửa của ngôi nhà là 18. Cửa sổ ở giữa không cho lối đi vào, được xem như là bức bình phong của ngôi nhà, ngăn chặn khí xấu và các yếu tố bất lợi cho gia chủ. Từ gian thờ của quan lại hay địa chủ đến thư phòng cùng các chân trụ đá đều thể hiện nếp sống truyền thống của người Việt. Các họa tiết được chạm khắc ở mỗi gian nhà đều mang ý nghĩa về gia phong của gia chủ và các yếu tố văn hóa truyền thống.