“Nhà ở” là từ dùng để chỉ một thực thể vật chất làm nơi cư ngụ của con người. Còn “kiến trúc” là những vấn đề bản sắc văn hoá và bản sắc thị giác. Đối với người dân Việt Nam, nhà không chỉ đơn thuần là nơi che nắng che mưa mà còn là tượng trưng cho tinh thần dân tộc. Vì vậy, kiến trúc nhà ở Việt Nam thường gắn liền với văn hoá bản sắc văn hoá người Việt.
Không gian cộng đồng
Ngôi nhà Việt truyền thống được sắp xếp trong một bối cảnh sinh hoạt chung của làng, nó vừa riêng lại vừa chung, rất độc lập mà lại có thế hoà đồng. Những bước tường ngăn cách giữa đường đi, giữa nhà này nhà kia tạo nên thế khép kín cho mỗi gia đình, nhưng lại được mở ra trong kiểu ứng xử chung của cả cộng đồng làng.
Môi trường sống cân bằng sinh thái
Người Việt sau hàng nghìn năm tồn tại và phát triển đã tạo cho mình một môi trường sống cân bằng với sinh thái. Trong khuôn viên nhà ở truyền thống của mỗi gia đình gồm có các thành phần sau: nhà chính, nhà phụ, vườn cây, ao cá, chỗ chăn nuôi gia cầm, gia súc, sân phơi, hàng rào, cổng… Người nông dân đã biết bố cục trong khuôn viên của gia đình mình thành một chuỗi khép kín về dòng năng lượng, về cách thức làm ăn hay về dòng trao đổi vật chất. Nghĩa là họ đã biết khai thác về mặt sinh thái để ổn định cuộc sống gia đình, hài hoà với môi trường, tạo điều kiện cân bằng để giữ thế ổn định chung. Trong đó 3 yếu tố ‘Người, đất và nước’ là các yếu tố tạo nên cân bằng sinh thái trong nhà ở người Việt truyền thống vùng nhiệt đới nóng ẩm. Trong khuôn viên như vậy, người nông dân đã tự tạo cho mình một cuộc sống ‘tự cung, tự cấp’.
Bố cục tổng thể – bố cục các gian nhà
Bố cục của ngôi nhà Việt truyền thống có nhiều kiểu, nhưng có hai kiểu được thiết kế nhiều nhất là: Bố cục nhà hình thước thợ, tức là nhà chính và nhà phụ (ở đây nhà phụ thường là bếp), kiểu bố cục này bắt gặp rất nhiều ở đồng bằng Bắc Bộ. Bố cục thứ hai của ngôi nhà người Việt thường thấy là: Bố cục hình chữ Môn, tức là nhà chính nằm ở chính giữa hai bên có hai căn nhà phụ (một là nhà kho để chứa lương thực, một là nhà bếp), kiểu này thường phải là một gia đình khá giả. Ngoài ra còn có nhiều kiểu nhà khác (dùng theo chiết tự Hán) nhưng không được phổ biến như: nhà kiểu chữ đinh, chữ nhất, chữ nhị, chữ công …
Bố cục các gian nhà thường là 3 gian, 2 chái, hình chữ đinh, nhà chính (nhà trên) và nhà phụ (nhà dưới) có sân nước (sân thiên tỉnh)... và thường không ngăn chia ra các phòng nhỏ như ở tây phương, 1 cửa chính và 1 cửa đi phụ và rất ít cửa sổ. Nhà ở miền Nam nhiều sông rạch nên phương tiện đi lại chính là xuồng nên công trình phụ như nhà để ghe xuồng thường ở mé sông (xẽo) hay ụ tàu, và phía ngoài nhà có chuồng trâu bò, còn kho lúa thì thường đặt trong nhà.
Đối với người Việt, ngôi nhà chính là bộ phận cốt yếu trong khuôn viên của một gia đình, nhà có bố cục gian lẻ 1, 3, 5 hay 7 gian cùng với 2 chái, không mấy nhà có số gian chẵn.
Thường là: phương đình 1 gian chính giữa, bốn xung quanh hệ cột quân đẳng hướng; nhà 3 gian; nhà 5 gian hay nhà 3 gian 2 chái; nhà 7 gian hay nhà 5 gian 2 chái; nhà 9 gian hay nhà 7 gian 2 chái;
Số lượng gian và chất liệu để làm nhà tuỳ thuộc vào hoàn cảnh kinh tế của từng gia đình, hay điều kiện môi trường thiên nhiên xung quanh nơi gia đình sinh sống. Ngôi nhà người Việt được kết cấu đăng đối, vì là số lẻ nên gian chính giữa bao giờ cũng dành làm nơi thờ cúng và tiếp khách. Sự sắp xếp trong một ngôi nhà người Việt cũng cho thấy sự thiên lệch vị trí giữa nam và nữ, chỗ ngủ của đàn ông trong gia đình ở các gian chính, còn chỗ sinh hoạt và nghỉ ngơi của phụ nữ là ở các chái bên cạnh, hoặc ở nhà ngang, nhà phụ.
Nơi thờ cúng của tổ tiên
Người Việt có quan niệm ‘đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại’, nên gian chính là bộ mặt của chủ nhà, lại là nơi thờ cúng của tổ tiên nên được bài trí hết sức công phu so với các gian bên cạnh. Có nhiều nhà gian chính được trang trí với các mô típ hoa văn trên các cột, vì kèo bằng gỗ hết sức khéo léo và tinh vi, đó là những mảng trạm khắc được thu nhận từ thiên nhiên vào trong ngôi nhà người Việt truyền thống. Trong ngôi nhà phần được chú ý và quan tâm nhiều hơn cả chính là bàn thờ vì chịu ảnh hưởng của Đạo Phật, Đạo Lão, Đạo Khổng nên bàn thờ được đặt vào chính giữa của gian chính, xung quanh được trang hoàng bằng các hoành phi câu đối, nếu gia cảnh của chủ nhà có khiêm nhường hơn thì bàn thờ cũng luôn được đặt vào nơi trang trọng nhất.
Gian thờ cúng tổ tiên của một vị quan trong hệ thống Khu nhà Rường tại Thành cổ Quảng Ngãi
Ngôi nhà người Việt truyền thống là nơi sinh sống không phải chỉ của một hay hai thế hệ mà nó được truyền qua nhiều thế hệ từ lớp ông bà đến lớp con cháu… cứ thế tiếp nối. Ngôi nhà có thể tồn tại vững chắc vài trăm năm, nên việc dựng một ngôi nhà được người Việt hết sức quan tâm, từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu xem ngày, xem tháng, so tuổi vì họ quan niệm đây thứ nhất là cơ nghiệp của nhiều đời, thứ hai đó là sự thịnh vượng hay suy của cả gia đình hay lớn hơn là cả một dòng họ nếu không chọn được ngày tốt và hướng tốt . Do vậy ngôi nhà người Việt là sự kết tinh của tâm sức, ý chí, tập trung công sức, tiền của cả gia đình. Ngôi nhà người Việt còn thể hiện được cái khéo léo, tài hoa của người thợ Việt Nam.
Kết cấu
Khung sườn gỗ, mộng và lỗ mộng (không dùng đinh), vĩ kèo gỗ đòn tay, rui mè, đòn vong, cột kê tán (không móng, cừ...) tùy theo điều kiện địa lý mà có thể nhà kết cấu nâng sàn, nửa nhà sàn nửa nền đất, hay trên nền đất, nhưng không có lầu hay nhiều tầng như các nước khác. Mái nhà thường có độ dốc cao do hay dùng lá, tranh, ngói (dốc lớn hơn 45 độ).
Hệ thống xương chính của ngôi nhà thường làm bằng gỗ được ăn mộng với nhau một cách chắc chắn với loại mộng én, hay mộng đuôi cá.
Vật lý kiến trúc
Thông gió tự nhiên, tường và mái nhà thường trùm kín nhà do mưa rất nhiều, hơn nữa cửa đi và cửa sổ mở rất ít do an ninh ngừa trộm cắp nên chiếu sáng tự nhiên rất tối và kém sáng sủa, nhà ở thường hướng nam (đón gió nồm thổi mát vào mùa hè) và 2 chái phụ ở 2 đầu nhà sẽ là hướng đông tây chống hơi nóng mặt trời sáng và chiều. Trồng cây: trước nhà trồng cau (cau để đón gió nam mát) sau nhà trồng chuối (lá chuối ngăn bớt gió bấc lạnh mùa đông).
Vật liệu xây dựng địa phương
Ngôi nhà người Việt thường được xây dựng bằng các nguyên vật liệu sẵn có ở địa phương như: lá, tranh, tre, gỗ đẽo, đá kê nền cột, đất sét nung hoặc không nung, bùn trộn rơm,... phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.
Tường nhà có thể bằng gỗ, trát đứng đắp đất, có hệ thống cửa ‘bức bàn’ hay ‘cửa phố’. Hình thức bên ngoài của ngôi nhà rất mộc mạc giản dị, những nhà có tường xây bằng gạch lợp ngói âm dương thì chỉ là mái dốc thuần tuý, không được trang trí cầu kỳ, cùng lắm là những đường chỉ dài khắc vạch. Dưới mái là hàng cột hiên với các bức tường quét vôi trắng, trông giản dị khiêm nhường. Nhưng bên trong cái vẻ giản dị, mộc mạc khiêm nhường của ngôi nhà Việt truyền thống là tiềm ẩn bên trong cả cội nguồn của một dân tộc, một sức sống lâu bền mãnh liệt của người Việt. Đây chính là tâm hồn, là một góc đi về của một con người, nó mang nhiều hồi ức, kỷ niệm riêng tư mà chỉ có ngôi nhà Việt mới có được.
Trải qua nhiều thời gian, nhiều thế kỷ, với bao thăng trầm lịch sử cho đến ngày nay, những ngôi nhà người Việt vẫn còn hiện hữu trên khắp các làng quê Việt Nam, tuy không còn nhiều, song đó là những tài sản quý báu của nền văn hóa của dân tộc, là những giọt mật tinh tuý được chắt lọc ra từ khối óc thông minh, đôi mắt tinh đời, những bàn tay tài giỏi, khéo léo của cha ông chúng ta.
Bài viết được tham khảo tư liệu từ Kiến trúc cổ Việt Nam.
Tiên Hồ