Trải qua biến cố lịch sử thời kỳ chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ; làng Gò Cỏ tiếp tục gồng mình chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt để nuôi sống bao thế hệ. Cái nghèo luôn thường trực khiến cho từng dòng người lần lượt tha hương, li hương để lại làng mạc vắng tiếng cười sum họp. Thế nhưng giờ đây, làng Gò Cỏ như được sống dậy, vươn mình trong nguồn sinh khí mới. Làng Gò Cỏ đã hồi sinh với danh hiệu sản phẩm OCOP chất lượng 3 sao và trở thành sản phẩm đại diện cho mô hình HTX du lịch cộng đồng của Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)".
Từ ngày 28/9 đến 13/10/2021, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương phối hợp với Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức đợt tập huấn về Chương trình OCOP năm 2021. Chương trình gồm có 11 chuyên đề được thực hiện bởi nhiều Giảng viên đến từ các trường học, chuyên gia và nhiều đơn vị chủ thể OCOP. Trong đó chuyên đề 7: Phương pháp và công cụ xây dựng mô hình HTX du lịch bền vững được thực hiện bởi Diễn giả Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều - Giám đốc HTX Du lịch cộng đồng Làng Gò Cỏ.
Chuyên đề: Phương pháp và công cụ xây dựng mô hình HTX du lịch bền vững ngày 6/10/2021
Công viên di sản làng Gò Cỏ được biết đến là một sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao nằm trong nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (Nhóm VI) đầu tiên trên cả nước. Làng Gò Cỏ tích hợp tất cả các giá trị di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, đa dạng sinh học,…theo các tiêu chí công viên địa chất ở quy mô của một ngôi làng. Và hơn thế, ở đây còn có giá trị con người nhân bản và một mô hình phát triển kinh tế cộng đồng chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu.
Mọi hoạt động, dịch vụ trải nghiệm tại làng Gò Cỏ đều có sự tham gia, xây dựng và phát triển bởi cộng đồng người dân bản địa nhằm mang tới cho du khách những trải nghiệm nguyên bản, độc đáo được lồng ghép những câu chuyện về văn hóa, lịch sử, di sản, địa chất của chính mảnh đất này. Từ khi được thành lập, làng Gò Cỏ đã tổ chức các hoạt động du lịch hiệu quả với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Từ đó, quảng bá được các giá trị văn hoá ngàn năm tại Quảng Ngãi cũng như phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Trong chuyên đề này Bà Nguyễn Thị Diễm Kiều chia sẻ đến quý học viên 5 nội dung chính:
- Giới thiệu tổng quan điểm du lịch OCOP “Công viên di sản làng Gò Cỏ”;
- Các yếu tố cốt lõi hình thành nên HTX du lịch cộng đồng bền vững;
- Hợp tác xã điều phối là công cụ vận hành mô hình du lịch cộng đồng bền vững;
- Ứng dụng phương pháp ABCD trong công tác giáo dục cộng đồng và điều phối các hoạt động của HTX du lịch cộng đồng;
- Ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với điểm du lịch cộng đồng.
Qua chuyên đề các học viên sẽ hiểu thêm được giá trị di sản văn hoá và kinh nghiệm tổ chức mô hình HTX du lịch cộng đồng tại Làng Gò Cỏ. Từ đó, có nhiều công cụ và phương pháp mới để hỗ trợ cho cá nhân cũng như địa phương phát triển mô hình HTX du lịch một cách bền vững.
Tiên Hồ